Nám da là tình trạng da xuất hiện những đốm nâu trên da mặt. Nám da là một trong những biểu hiện của lão hóa da, điều mà không một chị em nào mong muốn. Nám da không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm cho phái đẹp mất tự tin khi giao tiếp. Vậy làm sao để có thể điều trị nám da, trước tiên bạn phải nắm rõ được nguyên nhân gây ra nám da là gì? Để hiểu rõ hơn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
Nám da thường thấy ở phụ nữ ngoài 30 tuổi. Vậy nguyên nhân gây nám da là gì và chúng ta cần bảo vệ da như thế nào?
Nguyên nhân gây nám
Nám da xuất hiện ở các chị em phụ nữ ở độ tuổi ngoài 30. Theo các nghiên cứu khoa học, khoảng 20-70% người bị nám da có yếu tố di truyền. Bởi vậy, nếu trong gia đình có người bị nám da thì khả năng bạn bị nám sẽ cao hơn những người khác.
Nám da có thể xảy ra do sự thay đổi của nội tiết tố bên trong cơ thể khi mang thai, rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là sau tuổi 30. Bên cạnh đó, trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, các hắc tố melanin tăng cao do sự suy giảm, rối loạn của nội tiết tố Estrogen và Progesterone cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có tác dụng phụ gây nám da, sạm da như: thuốc tránh thai, thuốc chữa loạn thần clopromazin và thuốc chữa dị ứng phenothiazin, các loại thuốc nhóm kháng sinh cyclin…
Một lý do khác gây ra nám da đó là sự lạm dụng các loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng. Rất nhiều phụ nữ có thói quen sử dụng các loại mỹ phẩm, kem trộn được bán trôi nổi trên thị trường với nguồn gốc, xuất sứ không rõ ràng. Các sản phẩm này khi mới dùng sẽ thấy da mờ nám và trắng lên nhanh chóng. Nhưng đồng nghĩa với điều đó là da bị bào mòn và trở nên yếu ớt khi tiếp xúc với ánh nắng, khói bụi. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành nám da, đặc biệt ở vùng mặt.
Ngoài ra, khi liên tục gặp phải những áp lực và căng thẳng sẽ gây các vấn đề về nám da, mụn, lão hóa… Đặc biệt, khi stress gia tăng, chế độ ăn uống mất cân bằng, thiếu nước, uống bia rượu, thuốc lá, nghỉ ngơi sinh hoạt không hợp lý thì những mảng nám sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Dưới tác động của các tia UV trong ánh nắng mặt trời, làn da có khả năng bị nám và tối màu hơn. Không chỉ khiến nám da nặng hơn, tia UV còn gia tăng hình thành các vết nám mới và nếp nhăn trên da, khiến da thô ráp, mẫn cảm hơn.
Phòng ngừa và điều trị nám
Việc cung cấp đầy đủ vitamin cần thiết cho cơ thể như A, C, E, B12; uống nhiều nước, tránh thức ăn cay nóng, các loại rượu, bia… sẽ giúp bạn bù đắp cho cơ thể một lượng chất nhất định, tái tạo da và ngăn ngừa sự biến đổi, rối loạn của các hormone, làm giảm nguy cơ xuất hiện nám.
Bạn không nên lạm dụng mỹ phẩm, đặc biệt là những mỹ phẩm tẩy trắng có chứa thành phần gây teo da như thủy ngân hoặc gây kích ứng viêm da như corticoid. Tránh căng thẳng, lo lắng, thức đêm và sử dụng kem chống nắng cũng là cách phòng ngừa nám hiệu quả.
Tuy nhiên, khi đã bị nám, việc áp dụng những cách thức trên sẽ chỉ giúp bạn chống nám da phát triển và lây lan. Nếu đã xuất hiện những đốm nâu trên mặt, bạn nên tìm đến các trung tâm điều trị về da để được tư vấn và có liệu pháp điều trị tốt nhất.